Tiếng Anh có hai chữ Arctic và North Pole mà tiếng Việt đều dịch là Bắc Cực. Thật ra hai chữ có nghĩa khác nhau. Chữ North Pole dùng để chỉ một điểm đỉnh trên phía Bắc, nên đúng là Bắc Cực. Nhưng chữ Arctic dùng để chỉ vùng rộng lớn chung quanh Bắc Cực. Như vậy tôi dịch Arctic là Vùng Bắc Cực. Vùng biển trên Bắc Cực được gọi là Biển Bắc Cực (Arctic Ocean).
Tương tự như vậy, tiếng Anh có hai chữ Antarctica và South Pole mà mình đều dịch là Nam Cực. Chữ South Pole dùng để chỉ một điểm cuối cùng phía Nam nên đúng là Nam Cực, nhưng chữ Antarctica dùng để chỉ phần đất chung quanh Nam Cực bao quanh bởi các đại dương, đó là một lục địa. Nên tôi dịch chữ Antarctica là Lục Địa Nam Cực.
Bắc Cực và Nam Cực chính xác là ở đâu
Thật ra có hai thứ Bắc Cực, một thứ gọi là Bắc Cực địa dư (geographic North Pole) và một thứ là Bắc Cực từ tính (magnetic North Pole). Và cũng có hai thứ Nam Cực, một là Nam Cực địa dư và một là Nam Cực từ tính.
Bắc Cực và Nam Cực địa dư
Chắc bạn cũng đã biết trái đất quay quanh một trục và làm cho có ngày và đêm. Bắc Cực chính là điểm tận cùng về phía Bắc trên trái đất của trục quay đó. Nam Cực là điểm trực đối của Bắc Cực và là điểm tận cùng về phía Nam của trục quay. Tuy nhiên trục quay của trái đất không cố định mà hơi nghiêng ngả, nên Bắc Cực và Nam Cực có thể bị di chuyển vài mét.
Khi đứng ở Bắc Cực thì mọi hướng đều là hướng Nam, ngược lại đứng ở Nam Cực thì mọi hướng đều là hướng Bắc.
Các nhà khoa học đã cố đánh dấu Bắc Cực nhưng không thể được. Lý do là Bắc Cực ở trên biển và những tảng băng đóng trên mặt biển ở Bắc Cực luôn luôn di động. Ngược lại Nam Cực là đất liền và tảng băng đóng trên đó chỉ di chuyển vài mét một năm nên người ta đã làm một mốc đánh dấu chỗ Nam Cực.
Bắc Cực và Nam Cực từ tính
Bắc Cực và Nam Cực từ tính hơi khác với Bắc Cực và Nam Cực địa dư. Kim của một la bàn luôn luôn chỉ về hướng Bắc Cực hay Nam Cực từ tính. Nếu trái đất là một thỏi nam châm khổng lồ thì thỏi nam châm này hơi lệch với trục quay của trái đất, khoảng 110. Đó là lý do Bắc Cực từ tính không trùng với Bắc Cực địa dư. Vào năm 2005 thì Bắc Cực từ tính cách Bắc Cực địa dư khoảng 819 km (503 dặm).
Từ tính của trái đất được tạo thành bởi lớp kim loại nóng chảy (molten metal) ở tầng vỏ ngoài trái đất. Lớp kim loại này là chất lỏng nên hay thay đổi và hai cực từ của trái đất cũng không ở yên. Do đó Bắc Cực và Nam Cực từ tính cũng không cố định.